02. Quẻ Thuần Khôn trong Kinh Dịch

0 149

Lời giảng Quẻ Thuần Khôn dựa theo sách “Kinh dịch – Đạo của người quân tử” của tác giả Nguyễn Hiến Lê

Quẻ Thuần Khôn, hay còn được gọi tắt là quẻ Khôn (坤 kūn), tức Đất là quẻ thứ 2 trong Kinh Dịch, số 02.

Nội quái là ☷ Khôn.

Ngoại quái ☷ Khôn.

Ý nghĩa tổng quan: 

  • Thuận dã, nhu thuận, mềm dẻo, thuận tòng theo đường mà được lợi, hòa theo lẽ, chịu lấy.
  • Thuần Khôn: Nguyên, hanh, lợi, tẫn mã chi trinh. Quân tử hữu du vãng, tiền mê hậu đắc, chủ lợi Tây Nam đắc bằng, Đông Bắc táng bằng. An trinh, cát.

Lời dịch: 

  • Khôn có đức đầu tiên, lớn, hanh thông, thích đáng, đức chính và bền của ngựa cái. Người quân tử có việc làm mà khởi xướng đi đầu thì lầm, cho người khác thủ xướng để mình theo sau thì được. Khôn chỉ cốt mang lợi ích cho vạn vật, đi về phía Tây Nam thì được bạn, về phía Đông Bắc thì mất bạn. An lòng mà giữ đức bền vững thì tốt.

Lời giảng: 

  • Quẻ Càn chứa 6 hào dương còn quẻ Khôn chứa 6 hào âm. Càn tượng là Trời thì Khôn tượng là đất, Càn cương kiện thì Khôn nhu thuận. Càn tạo ra vạn vật ở dạng vô hình, thuộc phần khí nhưng phải nhờ có Khôn thì vạn vật mới có thể hữu hình, mới được nuôi dưỡng và sinh trưởng, vậy nên công của Khôn cũng lớn như công của Càn, chỉ khác ở chỗ Khôn phải ở sau Càn, tùy theo Càn, bổ túc cho Càn, vậy nên mà đức nguyên, hanh, lợi của Khôn có đủ như Càn. Chỉ riêng về đức trinh (chính và bền) của Khôn thì hơi khác: tuy cũng chính và bền nhưng phải thuận. Vua Văn Vương đã dùng con ngựa cái để tượng Khôn vì ngựa cái có tính thuận theo ngựa đực (Càn).
  • Cũng vì Khôn có đức thuận tòng nên khởi xướng phải là Càn, Khôn hỗ trợ và tiếp tục công việc của Càn. Người quân tử nếu ở vào địa vị Khôn thì phải tùy thuộc người trên mà làm việc, cũng đừng nên khởi xướng để khỏi lầm lẫn, chờ người khởi xướng, đi đầu rồi mới theo thì lại được việc. Như vậy là có đức dày như đất, che chở được muôn vật, lớn cũng không kém đức của trời (Càn) là bao.
  • Chu Công còn khuyên nên đi về phía Tây Nam vì theo Hậu thiên bát quái quẻ Khôn ở phía Tây Nam thì được bạn (hoặc sẽ được tiền bạc, vì chữ “bằng” có thể hiểu là bằng hữu hoặc cũng có thể hiểu là bằng bối: bối là vỏ sò ngao khi xưa được dùng làm tiền), nếu đi về phía Đông Bắc thuộc thì mất bạn (hoặc tiền bạc).
  • Khi được quẻ này, nên dựa theo những lời khuyên đó mà an lòng, giữ được đức bền thì tốt.

Ý nghĩa Hào Từ:

Từ đây trở xuống là lời hào từ, lời của Chu Công luận đoán về mỗi hào.


Sơ lục (Hào 1 âm): Lý sương, kiên băng chí.

Lời giảng:

  • Đây là hào âm đầu tiên trong quẻ, âm thì lạnh, vậy nên Chu Công ví với hơi lạnh mới kết lại thì thành sương, rồi lần lần, lạnh hơn, nước sẽ đông lại thành băng. Hào sơ có hàm ý khuyên phải thận trọng từ bước đầu.
  • Theo “Văn Ngôn truyện” thì khuyên người nào tích lũy điều tốt lành thì tất có thừa phúc để đến đời sau, còn nhà nào tích lũy điều chẳng lành thì tất có thừa tai vạ truyền đến đời sau. Như việc bề tôi giết vua, con giết cha, nguyên do không ở trong một buổi sớm chiều, tất cắt nguyên dần dà đã có từ lâu, mà người ta không nhận ra, không biết lo toan từ sớm vậy “tích thiện chí gia tất hữu dư khách, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương. Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triều nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hĩ. Do biện chi bất tảo biện dã”.
  • Chúng ta để ý ở hào 1 quẻ Càn, Dịch chỉ khuyên nên ở ẩn, tu đức luyện tài mà chờ thời. Còn hào 1 quẻ Khôn thì Dịch răn phải đề phòng từ đầu, nếu không sẽ gặp họa. Như vậy Dịch tin ở Dương hơn Âm, trọng Dương hơn Âm .

Lục nhị (Hào 2 âm): Trực phương đại, bất tập vô bất lợi – Đức của mình thẳng, vuông, lớn thì chẳng phải học tập mà cũng không có gì là bất lợi cả.

Lời giảng:

  • Hào 2 của quẻ Khôn rất tốt: thể là âm, vị cũng là âm (hào chẵn), đắc trung đắc chính, cho nên bảo là có đức thẳng (trực) nó lại đắc trung, (ở giữa nội quái) cho nên bảo là vuông vức (phương) nó lại ở trong quẻ Khôn, có qui mô lớn, nên chẳng cần học tập khó khăn mà hành động nào cũng hợp đạo lý, không có bất lợi.
  • Theo “Văn Ngôn truyện” thì khuyên người quân tử muốn như hào 2 này mà ngay thẳng ở trong lòng thì phải có đức kinh, vuông ở ngòai (khi tiếp vật) thì phải có đức nghĩa.

Lục tam (Hào 3 âm): Hàm chương khả trinh, hoặc tòng vương sự, vô thành hữu chung – Ngậm chứa (không nên để lộ ra) đức tốt mà giữ vững được, có khi đi theo người trước mà làm việc nước, đừng chiếm lấy sự thành công thì sau cùng sẽ đạt kết quả.

Lời giảng:

  • Hào 3 là âm mà đứng tại vị dương (lẻ), như vậy là bất chính, nhưng nó vốn có đức nhu thuận của quẻ Khôn, thêm được tính cương kiện của vị dương, cuối cùng thì lại là tốt (đây là lẽ biến hóa của Dịch).
  • Hào 3 đứng trên cùng nội quái, có thể có chức phận, cho nên bảo là có lúc theo bề trên làm việc nước. Nhưng nó nên nhún nhường, nhu thuận (đức của Khôn) chỉ làm trọn nghĩa vụ mà đừng quan tâm chiếm lấy sự thành công thì sau cùng sẽ có kết quả.
  • Theo “Văn Ngôn truyện” thì khuyên ngậm chứa đức tốt, theo người trên làm việc mà không dám chiếm lấy sự thành công, đó là đạo của Đất, của người vợ, của bề tôi (địa đạo, thê đạo, thần đạo). Đó là đạo cư xử của người dưới đối với bậc trên.

Lục tứ (Hào 4 âm): Quát nang, vô cữu, vô dự – Như cái túi thắt miệng lại kín đáo giữ gìn, thì không tội lỗi mà cũng không danh dự.

Lời giảng:

  • Hào 4 là âm ở địa vị âm trong một quẻ tòan âm, mà không được đắc trung như hào 2, ví như người quá nhu thuận, vô tài, không có chút dứt khoát, cương cường nào. Đã vậy còn ở sát hào 5, là địa vị của một đại thần, tài thấp mà địa vị cao, vậy nên phải thận trọng thì mới khỏi tội lỗi, an thân, mặc dù không có danh dự gì.
  • Hào 4 quẻ Càn cũng ở địa vị như hào này, nhưng vì là dương, có tài năng, nên còn có thể bay nhảy, tiến được (hoặc lùi ẩn tùy lúc), 2 hào khác nhau ở chỗ đó.
  • Theo “Văn Ngôn truyện” cho rằng hào 4 có cái tượng “âm cự tuyệt dương” vì không có chút dương nào cả từ bản thể tới vị, do đó mà âm dương cách tuyệt nhau, trời đất không giao hòa (thiên địa bế), lúc đó khuyên hiền nhân nên ở ẩn (hiền nhân ẩn), rất thận trọng thì không bị tai họa.

Lục ngũ (Hào 5 âm): Hoàng thường, nguyên cát – Như cái xiêm màu vàng, to lớn, tốt.

Lời giảng:

  • Hào 5 là hào chí tôn trong quẻ, đắc trung, không đắc chính vì là âm mà ở vị dương. Nhưng ở trong quẻ Khôn,như vậy lại tốt vì có chút cương, không quá thuần âm, thuần nhu như hào 4, tức là có tài nhưng vẫn là khiêm nhu. Âm còn có ý nghĩa về văn vẻ nữa, trái với dương cương kiện là võ. Cho nên Chu Công cho rằng đây là hào rất tốt, và có hình tượng bằng cái xiêm màu vàng. Vàng là màu của đất, của trung ương (hàm ý không thái quá, không bất cập), đồng, nên người Trung Hoa thời xưa rất quí, chỉ vua chúa mới được sử dụng màu vàng trong y phục. Xiêm là một bộ phận y phục ở phía dưới, đẹp đẽ, có ý nghĩa về sự khiêm hạ, không tự tôn.
  • Theo “Văn Ngôn truyện” giảng thêm rằng người quân tử có đức trung (màu vàng) ở trong mà thông suốt đạo lý, ở ngôi cao mà vẫn khiêm cung, tự coi mình ở thể dưới (tượng như cái xiêm); như chất tốt đẹp ở bên trong mà phát ra bề ngòai, làm nên sự nghiệp lớn, như vậy là tốt đẹp cùng cực.
  • Như vậy Dịch tuy coi âm (Khôn) không được quí bằng dương (Càn), nhưng cũng có lúc coi trọng đức khiêm nhu, Dịch cho rằng đó là đức của người văn minh, đây cũng là tinh thần hiếu hòa, trọng văn hơn võ. Hào 5 của quẻ Càn, Chu Công cho rằng đó là đại quí (long phi tại thiên) nhưng chỉ bảo: “Lợi kiến đại nhân”, còn hào 5 của quẻ Khôn thì được khen là”nguyên cát” hào tốt nhất trong Kinh Dịch, là có nghĩa vậy.

Thượng lục (Hào 6 âm): Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng – Rồng đánh nhau ở đồng nội, đổ máu đen máu vàng.

Lời giảng:

  • Hào 6 âm lên tới điểm cực thịnh, âm dương tuy bổ túc nhau, nhưng bản thể vẫn là sự ngược nhau, đối địch nhau. Khi âm cực thịnh, dương cũng vậy ( hào 6 quẻ Càn) thì hai bên tất có sự cạnh tranh, và cả hai đều bị hại. Đạo đến đó là cùng rồi, cũng vẫn cái nghĩa thịnh cực thì suy như hào 6 của quẻ Càn.

Dụng lục (hào âm): Lợi vĩnh trinh – Nên lâu dài, chính và bền.

Lời giảng: Hai chữ “dụng lục” ở đây cũng như hai chữ “dụng cửu” ở quẻ Càn rất đa nghĩa và khó luận giải, mỗi nhà giảng một khác.

  • Theo thuyết của tiên nho thì sáu hào âm biến ra sáu hào dương, tức Thuần Khôn biến thành Thuần Càn, như một người nhu nhược biến ra một người cương cường, cho nên bảo là nên lâu dài, chính và bền.
  • Theo thuyết của Cao Hanh thì hỏi về việc cát hay hung lâu dài, mà được “hào” này thì lợi.
  • Theo thuyết của Tào Thăng thì Khôn thuận theo Càn cho nên gọi là lợi, không động thì mở ra, tĩnh thì đóng lại. Vậy nên bảo chính và bền ở đây ý muốn nói rằng đạo Khôn đơn giản mà tác tác thành vạn vật.

Chú ý: Chỉ hai quẻ Thuần Càn và Thuần Khôn là có “Văn Ngôn truyện”, Dụng Cửu và Dụng Lục; các quẻ sau trở đi không còn những tiết đó nữa.

Trên đây là một số thông tin về quẻ Thuần Khôn trong Kinh Dịch, hy vọng bài viết trên đây của Quảng Nguyên sẽ cung cấp đến cho bạn đọc những tư liệu hữu ích. Để có thêm những tư vấn khác, quý bạn đọc có thể liên hệ với Quảng Nguyên để được hỗ trợ thêm. Xin cảm ơn!

 

 

Bình Luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.