05. Quẻ Thủy Thiên Nhu trong Kinh Dịch
Lời giảng Quẻ Thủy Thiên Nhu dựa theo sách “Kinh dịch – Đạo của người quân tử” của tác giả Nguyễn Hiến Lê
Quẻ Thủy Thiên Nhu, hay còn được gọi tắt là quẻ Nhu (需 xū) là quẻ thứ 5 trong Kinh Dịch, số 05.
Nội quái là ☰ Càn.
Ngoại quái ☵ Khảm.
Ý nghĩa tổng quan:
- Thuận dã, tương hội, chờ đợi vì nguy hiểm phía trước, thuận theo, quây quần, tụ hội, vui hội, cứu xét, chầu về. Quân tử hoan hội chi tượng: quân tử hội họp vui vẻ, ăn uống chờ thời.
- Quẻ trên là Mông, tượng là nhỏ thơ; nhỏ thơ thì cần được nuôi dưỡng bằng thức ăn, cho nên quẻ tiếp theo là Nhu. Chữ Nhu này [ 需 ] là chữ “nhu” trong nhu yếu phẩm, những thứ cần thiết, như thức ăn…Tự quái truyện giảng giải như vậy.
- Theo thoán từ thì lại giải thích khác: Nhu đây còn có nghĩa nữa là sự chờ đợi.
- Nhu: Hữu phu, quang hanh, trinh, cát. Lợi thiệp đại xuyên.
Lời dịch:
- Chờ đợi, có lòng thành thực tin tưởng, sáng sủa, hanh thông, giữ vững điều chính thì lợi. Dù gặp hiểm như qua sông cũng sẽ được thành công.
Lời giảng:
- Nội quái là Càn, cương kiện, muốn tiến lên nhưng lại gặp ngoại quái là Khảm (hãm hiểm) chặn ở trên, nên phải chờ thời.
- Hào làm chủ trong quẻ này là hào 5 dương cương, ở vị trí chí tôn (ở quẻ này nên hiểu đây là ngôi của trời – theo Thoán truyện) mà lại đắc trung, đắc chính cho nên có cái tượng của sự thành thực, tin tưởng, sáng sủa, hanh thông; miễn là chịu đợi chờ thì việc hiểm gì cũng vượt được mà thành công.
- Đại tượng truyện giải thích cũng đại khái như vậy: dưới là Càn trời, trên là Khảm mây (Khảm còn có nghĩa là mây); tượng mây đã bao kín bầu trời, thế nào cũng mưa; vậy cứ “ăn uống yến lạc” (ẩm thực yến lạc) yên vui di dưỡng thể xác và tâm chí mà đợi lúc mưa đổ.
Ý nghĩa Hào Từ:
Từ đây trở xuống là lời hào từ, lời của Chu Công luận đoán về mỗi hào.
Sơ cửu (Hào 1 dương): Nhu vu giao, lợi dụng hằng, vô cữu.
Lời giảng:
- Hào 1 là dương, cương kiện, sáng suốt mà ở xa ngoại quái là Khảm, tức xa nước, xa chỗ hung hiểm (cũng như còn ở ngòai thành, không gần sông nước), đừng nóng vội xông vào chỗ hiểm nguy, cứ chịu chờ đợi thì không có lỗi. Sở dĩ Chu Công khuyên như vậy vì hào dương này không đắc trung mà có ý muốn tiếnHào 1 là dương, cương kiện, sáng suốt mà ở xa ngoại quái là Khảm, tức xa nước, xa chỗ hung hiểm (cũng như còn ở ngòai thành, không gần sông nước), đừng nóng vội xông vào chỗ hiểm nguy, cứ chịu chờ đợi thì không có lỗi. Sở dĩ Chu Công khuyên như vậy vì hào dương này không đắc trung mà có ý muốn tiến.
Cửu nhị (Hào 2 dương): Nhu vu sa, tiểu hữu ngôn, chung cát – Đợi ở bãi cát, tuy có chút khẩu thiệt, nhưng sau sẽ được tốt.
Lời giảng:
- Hào 2 ở vị trí gần quẻ Khảm hơn, ví như đã tới bãi cát ở gần sông, chưa tới nỗi nguy hiểm; mà hào lại đắc trung, cho nên tuy là dương cương mà biết khôn khéo, ung dung, không nóng nảy như hào 1, cho nên dù có điều tiếng nho nhỏ nhưng cuối cùng vẫn tốt.
Cửu tam (Hào 3 dương): Nhu vu nê, trí khấu chí – Đợi ở chỗ bùn lầy, như tự mình mời giặc đến.
Lời giảng:
- Hào 3 này đã ở vị trí sát quẻ Khảm, tuy chưa sụp xuống nước, nhưng đã ở chỗ bùn lầy rồi; thể của nó là dương cương, vị của nó cũng là dương, nhưng lại không đắc trung, vì vậy mà có cái “tượng rất táo bạo nóng nảy, làm càn, tức như tự nó mời giặc đến, tự gây tai họa cho nó. Nếu biết kính cẩn, thận trọng thì chưa đến nỗi nào, vì tai họa vẫn còn ở ngoài (theo tiểu tượng truyện).
Lục tứ (Hào 4 âm): Nhu vu huyết, xuất tự huyệt – Như đã chờ đợi ở chỗ lưu huyết mà rời ra khỏi được.
Lời giảng:
- Hào 4 đã bắt đầu vào quẻ Khảm, tức chỗ hung hiểm (như vào chỗ giết hại), nhưng vì nhờ đó là hào âm, nhu thuận lại đắc chính (ở vị âm) , nên có thể tránh được họa.
Cửu ngũ (Hào 5 dương): Nhu vu tửu thực, trinh cát – Chờ đợi, ăn uống no say (chỗ yên vui), bền giữ đức trung chính thì tốt.
Lời giảng:
- Hào 5 ở địa vị tôn quí, mà là dương cương trung chính nên tốt, nhưng muốn hạnh phúc được bền thì phải giữ đức trung chính.
Thượng lục (Hào 6 âm): Nhập vu huyệt, hữu bất tốc chi khách tam nhân lai, kính chi, chung cát – Vào chỗ cực hiểm rồi, nhưng có ba người khách chậm rãi tới, biết kính trọng họ thì sau sẽ đựơc tốt lành.
Lời giảng:
- Hào 6 âm ở trên cùng ngọai quái của quẻ Khảm, cho nên bảo là chỗ cực hiểm. Nó có hào 3 dương ở dưới ứng với nó, kéo theo cả hào 1 và 2 cũng là dương, cho nên nói là có 3 người khách sẽ tới; họ không tới ngay được vì họ ở xa hào 6, cho nên nói là họ thùng thằng tới.
- Hào 6 âm, có đức khiêm, nhu thuận, biết trong và nghe theo ba vị khách đó, cho nên cuối cùng cũng sẽ được họ cứu ra khỏi chỗ hiểm mà được tốt lành.
- Theo tiểu tượng truyện: Tuy hào 6 không xứng vị (bất đáng vị), nhưng không đến nỗi gặp thất bại lớn.
- Theo Chu Hi hiểu chữ “vị” đó, là ngôi chẵn (âm vị); hào âm ở âm vị, là “đáng” chứ sao lại “bất đáng”, vậy nên ông bảo là chưa hiểu rõ (vị tường).
- Theo cụ Phan Bội Châu hiểu chữ “vị” này là ngôi cao hay thấp; hào 6 ở trên cùng, tức là ngôi cao nhất, mà là âm nhu, bất tài, cho nên bảo “bất đáng” là phải.
Quẻ Nhu dạy cho ta cách xử thế khi chờ đợi, tùy họa ở gần hay ở xa, cốt lõi là đừng nóng nảy, mà phải giữ trung chính. Chúng ta để ý thấy hào 5 ở giữa quẻ Khảm, tức giữa cơn nguy hiểm mà Chu Công vẫn cho là tốt chỉ vì hào đó cương cường mà trung chính, nghĩa là cương một cách vừa phải, tỉnh táo và chính đáng.
Trên đây là một số thông tin về quẻ Thủy Thiên Nhu trong Kinh Dịch, hy vọng bài viết trên đây của Quảng Nguyên sẽ cung cấp đến cho bạn đọc những tư liệu hữu ích. Để có thêm những tư vấn khác, quý bạn đọc có thể liên hệ với Quảng Nguyên để được hỗ trợ thêm. Xin cảm ơn!