06. Quẻ Thiên Thủy Tụng trong Kinh Dịch

0 58

Lời  giảng Quẻ Thiên Thủy Tụng dựa theo sách “Kinh dịch – Đạo của người quân tử” của tác giả Nguyễn Hiến Lê

Quẻ Thiên Thủy Tụng, hay còn được gọi tắt là quẻ Tụng (訟 ) là quẻ thứ 6 trong Kinh Dịch, số 06.

Nội quái là ☵ Khảm.

Ngoại quái ☰ Càn.

Ý nghĩa tổng quan

  • Luận dã, bất hòa, bàn cãi, kiện tụng, bàn tính, cãi vã, tranh luận. Đại tiểu bất hòa chi tượng: tượng lớn nhỏ bất hòa.

     

  • Tự quái truyện đã cho Nhu là ăn uống, vậy nên giảng rằng vì ăn uống mà con người ta sinh ra tranh nhau, rồi kiện nhau, cho nên sau quẻ Nhu là quẻ Tụng (có ý nghĩa là kiện cáo, bất hòa).

     

  • Tụng: Hữu phu, trất, dịch. Trung cát, chung hung – Lợi kiến đại nhân, bất lợi thiệp đại xuyên

Lời dịch:

  • Kiện cáo vì mình tin thực mà bị oan ức (trất), vì vậy mà sinh ra lo sợ (dịch). Nếu giữ đạo trung (biện bạch được rồi mà dừng) thì tốt lành,nếu kiện cho đến cùng thì xấu. Tìm được bậc đại nhân (công minh) mà nghe theo thì chỉ cđược lợi, nếu không thì hung nguy như lội qua sông lớn, không có lợi.

Lời giảng: 

  • Theo tượng quẻ Tụng có thể giảng: người trên (quẻ Càn) là dương cương, áp chế người dưới,mà người dưới (quẻ Khảm) thì âm hiểm, do vậy mà tất sinh ra kiện cáo, hoặc cho cả trùng quái chỉ là một người, trong lòng thì nham hiểm (nội quái là Khảm), mà bên ngoài thì cương cường (ngoại quái là Càn), tất dễ sinh sự mà gây ra kiện cáo.
  • Theo thoán từ của Chu Công thì không hiểu hai cách đó mà cho rằng quẻ Tụng là trường hợp một người có lòng tin thực (hữu phu) mà bị oan ức, vu hãm, không có người xét rõ cho, cho nên lo sợ, phải đi kiện. Nếu người đó giữ được đạo trung như hào 2 (đắc trung), nghĩa là minh oan được rồi mà dừng, thì sẽ tốt, còn nếu cứ đeo đuổi cho tới cùng, quyết thắng, không chịu thôi thì sẽ xấu.
  • Quẻ khuyên người nên đi tìm bậc đại nhân công minh (tức hào 5 – ứng với hào 2, vừa trung chính, vừa ở ngôi vị cao), mà nghe lời người đó thì có lợi; nếu không thì là tự mình chuốc lấy sự nguy hại, như lội qua sông lớn.
  • Đại tượng truyện đưa ra một cách giảng khác: Càn (trời) có xu hướng đi lên; Khảm (nước) có xu hướng chảy xuống thấp, vậy là trái ngược nhau, cũng như hai nơi có sự bất đồng đạo, tranh nhau mà sinh ra kiện cáo. Khuyên người quân tử làm việc gì cũng nên cẩn thận từ lúc đầu để tránh kiện cáo.

Ý nghĩa Hào Từ:

Từ đây trở xuống là lời hào từ, lời của Chu Công luận đoán về mỗi hào.


Sơ lục (Hào 1 âm): Bất vinh sở sự, tiểu hữu ngôn, chung cát – Đừng kéo dài (việc tranh luận) làm gì, tuy bị trách một chút, nhưng sau sẽ được tốt.

Lời giảng:

  • Hào 1 âm nhu ở dưới, được hào 4 cương kiện ở trên ứng viện, tức là có điểm tựa; nhưng đừng nên ỷ thế mà sinh sự kéo dài cuộc tranh cãi; có bị trách một chút thì cũng chịu, kết quả được biện minh, thế là tốt.

Cửu nhị (Hào 2 dương):  Bất khắc tụng, qui nhi bô. Kì ấp nhân tam bách hộ, vô sảnh –  Không nên kiện mà nên lui về tránh đi, ấp mình chỉ có ba trăm nóc nhà thôi (địa vị mình thấp, thế mình nhỏ), như vậy thì sẽ không bị họa.

Lời giảng:

  • Các hào ứng với nhau (1 với 4, 2 với 5, 3 với 6) phải một dương một âm thì mới có tình cảm với nhau, mới đứng vào một phe, tương hỗ viện trợ nhau, tức trường hợp hào 1 và hào 4 quẻ này; nếu cả hai cùng là dương hay là âm thì tuy ứng nhau đấy, nhưng có thể kị nhau, cũng như hào 2 và hào 5 quẻ này. Hai hào này đều là dương cả, vậy nên coi là địch nhau, đứng vào hai phe ở trong quẻ tụng (kiện cáo).
  • Hào 2 ở dưới, đắc trung chứ không chính, ở giữa nội quái là Khảm (hiểm), xung quanh lại là hai hào âm 1 và 3 vậy, nên thế yếu, muốn kiện hào 5 (vì 2 có tính dương cương) nhưng thế không địch nổi, vì hào 5 vừa trung chính lại còn ở ngôi cao. Dưới kiện trên khác gì lấy trứng chọi đá, không nên, thà rút lui về, tránh đi còn hơn, như vậy thì không bị tội lỗi.
  • Tiểu tượng truyện còn dặn thêm rằng: Nếu dưới mà kiện trên, thì tai họa tới là do tự mình vơ lấy.
  • Theo cụ Phan Bội Châu giảng hào này, dẫn việc Nguyễn Hoàng lo ngại về Trịnh Kiểm (sự thực Trịnh Kiểm muốn hại Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng sợ), cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm và cụ đáp: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, có ý khuyên người nên trốn tránh vào Nam cho thoát nạn; đó là ý nghĩa ba chữ “qui nhi bô” trong hào này.

Lục tam (Hào 3 âm): Thực cựu đức, trinh lệ – Chung cát; hoặc tòng vương sự, vô thành – Cứ yên ổn hưởng cái đức (ân trạch) cũ của mình (theo Chu Hi hiểu là giữ cái nếp cũ), ăn ở cho chính đáng mà thường giữ lòng dè chừng, lo sợ thì kết quả sẽ tốt; còn nếu phải đi theo làm với người trên (chữ vương ở đây trở người trên, không nhất định chỉ là vua), thì cũng đừng mong thành công.

Lời giảng:

  • Hào 3 đã âm nhu lại còn bất chính (vì hào âm mà ở ngôi dương, ở vị trí chông chênh trên cùng quẻ Khảm (hiểm), chung quanh đều là kẻ thích gây sự, kiện cáo (vì hào 2 và 4 đều là dương), do vậy mà hào 3 thường phải lo sợ (lệ), nếu hiểu vậy mà biết giữ gìn thì cuối cùng sẽ được yên ổn.
  • Hào 3 có hào 6 ở trên ứng và có “tình” với mình, hào 6 là dương cương lại ở thế bề trên (ngôi cao), nên có khi lôi kéo hào 3 theo nó; trong trường hợp này, hào 3 nên an phận thủ thường, cứ phục tùng hào 6 nhưng đừng ham thành công (chẳng hạn hào 6 muốn đứng ra kiện, kéo hào 3 theo thì chỉ nên giúp hào 6 lấy lệ thôi, đừng ham lập công)

Cửu tứ (Hào 4 dương): Bất khắc tụng, phục tức mệnh, du, an trinh cát – Không thể kiện cáo được, nên trở lại theo thiên mệnh (lẽ chính đáng), đổi ý đi, ở yên theo điều trung chính thì sẽ tốt.

Lời giảng:

  • Hào 4 dương cương mà bất trung, bất chính, tượng như một người ham kiện cáo nhưng không thể kiện ai được. Kiện hào 5 thì ở trên mình, ngôi tôn, không dám kiện; kiện hào 3 thì nhu thuận, chịu thua trứơc rồi; kiện hào 2 thì vừa cương, trung, sáng suốt, đã tiên liệu rồi, không chịu kiện; còn hào 1 thì đã về phe với hào 4. Đành phải bỏ ý muốn ham kiện đi, theo lẽ phải, ở yên, giữ điều chính, như vậy thì sẽ tốt.

Cửu ngũ (Hào 5 dương): Tụng, nguyên cát – Xử kiện hay đi kiện, đều được tốt.

Lời giảng:

  • Hào 5 ở ngôi vị chí tôn, cương mà minh, đắc trung và đắc chính. Nếu là người xử kiện thì là người có đức, có tài (như Bao Công); nếu là người đi kiện thì gặp đựơc quan tòa có đức, có tài, không có gì tốt bằng.

Thượng cửu (Hào 6 dương): Hoặc tích chi bàn đái, chung triêu, tam sỉ chi. – Kiện may mà được cái đai lớn (thắng kiện) thì trong một buổi sáng sẽ bị cướp ba lần.

Lời giảng:

  • Hào 6 dương ở trên cùng quẻ Tụng là kẻ rất thích kiện, kiện tới cùng. Nó ở ngôi vị là bất chính, bất trung cho nên dù có kiện được, thì chẳng bao lâu cũng sẽ mất hết, cuối cùng vẫn không lợi.

Quẻ Tụng có ý nghĩa các hào rất nhất trí, sáng sủa.Trước sau chỉ là răn con người đừng ham tranh nhau kiện cáo như hào 3 không kiện với ai thì tốt; hào 2 muốn kiện mà sau thôi không kiện cũng tốt; hào 1 bị kiện thì nên nhường nhịn một chút rốt cuộc cũng sẽ tốt. Duy chỉ có hào 6 bằng kiện tới cùng thì dù có thắng, cũng hóa xấu. Còn hào 5 thì diễn cái ý là một tòa án công minh thì tốt cho dân biết bao.

Trên đây là một số thông tin về Thiên Thủy Tụng trong Kinh Dịch, hy vọng bài viết trên đây của Quảng Nguyên sẽ cung cấp đến cho bạn đọc những tư liệu hữu ích. Để có thêm những tư vấn khác, quý bạn đọc có thể liên hệ với Quảng Nguyên để được hỗ trợ thêm. Xin cảm ơn!

 

 

Bình Luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.