Oan trái nghiệp quả trong Hình Riêu Không Kiếp (Trích Tử Vi nghiệm lý của cụ Thiên Lương)

0 427

Trong cuộc sống, mọi sự việc đều có hai mặt trái ngược nhau như Âm – Dương trong vũ trụ, đen trắng trong màu sắc, tốt xấu trong một vấn đề nào đó…Thiên Hình và Thiên Riêu là bộ sao cũng có hai sắc thái đặc biệt như vậy, cùng có vị trí đắc địa tại Dần – Thân – Mão – Dậu và luôn luôn khăng khít đứng trong tam hợp với nhau. Nếu như Thiên Hình khởi tại cung Dậu kể là tháng giêng thì Thiên Riêu sẽ bắt đầu tại cung Sửu (An thuận chiều kim đồng hồ), vì vậy mà sẽ khó lòng có được một bộ Hình Riêu hoàn toàn đắc địa.

Hình là phạt vạ, ngũ hành thuộc Kim nên còn có hình tượng là thanh kiếm sắc bén dùng để sát phạt. Riêu là Thủy hành, lai láng huyền diệu hơn đời, đặc biệt khi đi cùng với Khúc Xương thì là người có tài văn học thần đồng. Điều quan trọng là Hình Riêu đi cùng với bộ sao nào hợp tình hợp cảnh thì sẽ làm bộ đó có một số ý nghĩa tăng lên, tuy nhiên lợi hay hại còn tùy trường hợp…

Ở trường hợp với người Kim Mệnh đóng cung Thân có Thất Sát gặp ngay Thiên Hình sẽ là một người uy dũng khó ai bì, trái lại Mộc Mệnh gặp Thất Sát ở Thìn Tuất có Hình thì kể như có một bản án giảm thọ, bất đắc kỳ tử dán ngay trên người. Hình ở Thìn Tuất thì Riêu phải ở Dần Thân đắc địa, nếu vô phước thì sẽ bị non yểu thành bà cô tổ hay ông mãnh. Hình ở Sửu thì Riêu đương nhiên tại Tị đều hãm địa, đó là oan trái, trường hợp gặp bộ Long Phượng Tả Hữu Xương Khúc là nghiệp quả chưa hết căn duyên.

Tại hàng chi 12 tuổi, với 6 tuổi dương Tý Ngọ Dần Thân Thìn Tuất, Đào Hoa gặp Riêu được ví như bông sen trong ao hồ gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn (tại đây Riêu được đắc địa). Còn với 6 tuổi âm, Đào Riêu trở thành sự sa ngã đồi trụy như chiếc xe tụt dốc (tại đây Riêu hãm địa). Đặc biệt tại cung Phúc Đức vô chính diệu khi Nhật Nguyệt sáng sủa hội chiếu mà được Thiên Riêu tọa thủ thì được phúc đức vô biên, linh thiêng phù trợ.

Không Kiếp là những ác sát tinh, ít khi tử tế hoàn toàn được với ai ngoài Phá Quân, vị chỉ huy tối cao trực tiếp có bản tính hung bạo, chuyên phá hoại hao tán. Không Kiếp vốn là hạng dao búa vì hợp tình hợp cảnh nên mới chịu phục tùng, hùa cùng nhau gây sự chẳng lành. Trường hợp Phá Quân đắc địa hay Không Kiếp ở Dần Thân Tị Hợi chỉ là nhất thời đưa nhau lên (phát dã như lôi), sau vẫn tàn tạ như mọi vị trí khác.

Một thập ký trước đây, bài hát “Tiễn chân anh khoa” như được hầu hết thôn quê kẻ chợ biết đến, là một tác phẩm hết sức bình dân và giản dị do nhà văn Á Nam Trần Tuấn Khải sáng tác. Ông sinh vào giờ Sửu, ngày 18, tháng 9, năm Ất Mùi, sống dưới thời bị ngoại trị. Lượng được sức mình không thể làm gì hơn ngoài lay động lòng dân trước sức mạnh của kẻ xâm lược (Thân cư Phúc tại vị trí Quan Phù) bằng lời văn thật cảm động mà phải ẩn dưới một hình thức thông thường, ông đã thành công. Cái tên Á Nam của ông đã được ghi vào lịch sử văn học đồng hành với Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà…

Cụ tuổi Ất Mùi có Mệnh nằm tại Dậu, Thân ở Hợi nên biết ngay là người lo việc đời thế nào (Mệnh Tang Môn, Thân Quan Phù). Người Hợi Mão Mùi là chủ nhân của Thiên Lộc thuộc hàng Ất, nhưng trong đó Ất Mùi phải là đứng sau cùng, thường gặp nhiều trở lực trên đường đời vì Ất khắc Mùi. Rành rành rằng Mệnh Lộc – Thân Quyền mà chẳng có quyền hành gì, Lộc chỉ là túc dụng, Tam Hóa liên châu ở Tuất chỉ có tiếng mà không có miếng. Ất Mùi Kim Mệnh cho thấy từ Cự Cơ (Mệnh) đến Thiên Lương (Thân) Thiên Đồng (tam hợp Mệnh) được coi như vô chính diệu nên Văn Xương (Kim) được coi như đắc cách khi phối hiệp cùng Riêu tại Dậu lập thành bộ Riêu Xương làm gì mà không thu hút được lòng thế nhân… Thiên Lương (Thổ) ở Hợi (tam hợp tuổi) chính là vị tao nhân mặc khách đắn đo chín chắn hành động của mình, giao cảm cùng non sơn gió mát.

Cụ Á Nam cũng như cụ Sao Nam tiên sinh, hai vị có cùng trường hợp Mệnh Tang Môn – Thân cư Phúc có Quan Phù đắc Riêu Xương Khoa Quyền Lộc mà chẳng tơ vương chút mùi tục lụy. Nhờ Riêu Xương (đắc địa) làm phương tiện lay động lòng người, hai ông đều tránh được Không Kiếp, nếu không có khi đã thành linh thánh của giang sơn, ít ra cũng là thần thiêng một cõi (Riêu đắc địa). Người Thái Tuế một khi oan nghiệp còn đi theo, khi sống đã là thánh nhân, lẽ nào lúc quy hồi lại thành được ma quỉ.

Trên đây là một số nghiệm lý về sao Thiên Hình, Thiên Riêu dựa trên tác phẩm  Tử Vi nghiệm lý toàn thư của cụ Thiên Lương, hy vọng bài viết trên đây của Quảng Nguyên sẽ cung cấp đến cho bạn đọc những tư liệu hữu ích. Để có thêm những tư vấn khác, bạn có thể liên lạc với Quảng Nguyên bằng địa chỉ bên dưới. Xin cảm ơn!

Bình Luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.