01. Quẻ Thuần Càn trong Kinh Dịch

1 30

Lời  giảng Quẻ Thuần Càn dựa theo sách “Kinh dịch – Đạo của người quân tử” của tác giả Nguyễn Hiến Lê

Quẻ Thuần Càn, hay còn được gọi tắt là quẻ Càn (乾 qián), tức Trời là quẻ đầu tiên trong Kinh Dịch, số 01.

Nội quái là ☰ Càn.

Ngoại quái là ☰ Càn.

Ý nghĩa tổng quan

  • Kiện dã, chính yếu, cứng rắn, khô lớn, khỏe mạnh, đức không nghỉ.
  • Nguyên Hanh Lợi Trinh chi tượng: tượng vạn vật luôn có sự khởi đầu, phát triển, lớn lên, toại chí, hóa thành.

Lời dịch:

  • Càn có bốn đức lớn với đặc tính gồm: đầu tiên, lớn, hanh thông, thích đáng, chính và bền.

Lời giảng: 

  • Vua Văn Vương cho rằng khi lập được quẻ này thì rất tốt, hanh thông, có lợi và có thể giữ vững được cho tới lúc cuối cùng.
  • Về sau này, tác giả của Thoán truyện (được cho là Khổng tử, nhưng không chắc chắn) cho rằng quẻ này còn có một ý nghĩa về vũ trụ, gồm sáu hào đều dương, có nghĩa rất cương kiện, tượng trưng cho Trời.
  • Sở dĩ Trời có đức “Nguyên” vì là nguồn gốc của vạn vật, có đức “Hanh” là vì làm ra mây, ra mưa để giúp cho vạn vật sinh trưởng đến vô cùng, có đức “Lợi” và đức “Trinh” vì có thể biến hóa, khiến cho vật giữ được bẩm tính nguyên khí thái hòa.
  • Bậc thánh nhân đứng đầu muôn vật mà theo đạo Càn thì được thiên hạ bình an vô sự.
  • Tác giả của “Văn Ngôn truyện” còn cho quẻ Càn này thêm một ý nghĩa về nhân sinh, đạo đức. Trong đó, Càn tượng trưng cho người quân tử, người quân tử gồm có bốn đức là:

         Đức Nhân: là đức lớn nhất, gốc của lòng người, là đức “Nguyên” của Trời.

         Đức Lễ: là hợp với đạo lý, hợp với đạo lý nên mọi chuyện hanh thông, là đức “Hanh” của Trời.

         Đức Nghĩa: đức này làm cho mọi người được vui vẻ sung sướng, là “Lợi” của Trời.

         Đức Trí: là sự sáng suốt, hiểu rõ thị phi, có đó mới có thể làm được mọi việc, là đức cốt cán, cũng như đức “Trinh” chính và bền của Trời.

  • Nguyên, Hanh, Lợi , Trinh mà được giảng thành Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, (tứ đức chính của đạo Nho) thì rõ là chịu ảnh hưởng nhiều của Nho gia, khi đó thì ý nghĩa và công dụng của Dịch đã bị thay đổi khá nhiều rồi.

Ý nghĩa Hào Từ:

Từ đây trở xuống là lời hào từ, lời của Chu Công luận đoán về mỗi hào.


Sơ cửu (Hào 1 dương): Tiềm long vật dụng – Rồng còn đang ở giai đoạn ẩn náu, chưa thể đem tài năng ra dùng được.

Lời giảng:

  • Với ý niệm cho rằng Rồng là thần vật, thiên biến vạn hóa, lúc ẩn lúc hiện, thuộc về lòai dương, vậy nên Chu Công dùng Rồng để cho ta dễ thấy ý tượng các hào (đều là dương cả trong quẻ Càn).
  • Vị trí Hào 1 ở dưới thấp nhất, cho nên nó được ví với con Rồng còn đang ẩn ở dưới vực sâu, chưa thể làm mây biến hóa được, vẫn còn phải đợi thời.
  • Theo “Văn Ngôn truyện” thì bàn rộng ra hơn về cách xử sự của bâc thánh nhân, người quân tử: khi chưa được gặp thời thì nên tu đức, luyện tài, không nên vì thế tục mà thối chí. Nên ở ẩn, không ai biết mình cũng không phải buồn, không gì lay chuyển được chí của mình.

Cửu nhị (Hào 2 dương): Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân – Rồng đã hiện lên, xuất hiện ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì tốt.

Lời giảng:

  • Hào 2 là dương nằm ở giữa nội quái là đắc trung, như vậy là bắt đầu gặp thời, có thể sử dụng tài đức giúp ích cho đời được. Lại thêm hào 2 ứng với nó là hào 5 cũng là dương, cũng đắc trung (vì hào nằm ở giữa ngọai quái), cho nên hào 2 ở đây có thể ví với con Rồng đã rời vực mà hiện lên cánh đồng, cũng như người có đức có tài đã bắt đầu gặp thời, nên đi kiến đại nhân).
  • Theo “Văn Ngôn truyện” thì khuyên người có tài đức gặp thời này nên giữ đức tín, đức thận trọng trong ngôn, hành, tránh tà bậy, giữ lòng thành, chánh trực, giúp đời mà không khoe công, như vậy mới giữ được đức trung chính của hào 2.

Cửu tam (Hào 3 dương): Quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược. Lệ, vô cữu – Người quân tử hằng ngày hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn sự thận trọng như lo sợ. Tuy nguy hiểm, nhưng không quá tội lỗi.

Lời giảng:

  • Hào 3 là dương mà lại ở vị ngôi dương thì như vậy là rất cương, mà lại không đắc trung. Hơn nữa, nó ở trên cùng nội quái mà chưa thể tiến lên được tới ngọai quái, nghĩa là ở một vị trí rất chông chênh, rất khó xử, cho nên hào từ báo là nguy hiểm (lệ). Nhưng dù gì vẫn là quân tử, có đức tự cường không ngừng, rất thận trọng, lúc nào cũng như lo sợ nên tuy gặp thời nguy mà cũng không đến nỗi gặp tội lỗi.
  • Theo “Văn Ngôn truyện” thì người quân tử giữ sự trung tín để tiến đức; sửa lời nói (lập ngôn) vững lòng thành để có thể lập sự nghiệp . . .nhờ vậy mà thấu hiểu được đạo lý, giữ được chính nghĩa, làm được đại nghiệp tới cùng, ở địa vị cao mà không kiêu, thấp mà không lo…

Cửu tứ (Hào 4 dương): Hoặc dược, tại uyên, vô cữu – Như con Rồng khi thì bay nhảy, khi thì nằm ẩn trong vực (biết tùy cơ ứng biến) thì không phải lầm lỗi.

Lời giảng:

  • Hào 4 dương ở ngôi vị âm, như vậy là bất trung và bất chính. Hào 4 cũng như hào 3 ở địa vị còn chông chênh, mới rời nội quái tiến lên ngọai quái, tiến chưa chắc đã tốt mà thóai thì cũng dở dang. Vậy nên cần thận trọng xem xét thời cơ, khi nên tiến thì tiến (như con Rồng bay lượn) nếu không thì ẩn chờ thời (con Rồng nằm ẩn trong vực), vậy nên Chu Công sử dụng chữ “hoặc” có nghĩa là không nhất định.
  • Tuy bất chính, bất trung nhưng hào 4 có chất cương kiện (hào dương) nên cũng như hào 3 là một bậc quân tử , biết giữ tư cách, biến tùy thời, rốt cuộc thì cũng không có lỗi. Hào này chỉ khác hào 3 ở chỗ là nó có thể tiến lên được, còn hào 3 chưa thể tiến được.
  • Theo “Văn Ngôn truyện” thì không giảng gì khác, chỉ khuyên người quân tử nên tiến đức tu nghiệp, chuẩn bị cho kịp thời để có lúc ra giúp đời.

Cửu ngũ (Hào 5 dương)Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân – Rồng bay trên trời cao, ra mắt kẻ đại nhân thì tốt.

Lời giảng:

  • Hào 5 dương ở ngôi vị dương cao nhất trong quẻ đắc chính, đắc trung (ở giữa ngọai quái), như vậy là có đủ những điều tốt, cao quí. Hào 5 lại được hào 2 bên dưới ứng với nó, mà hào 2 cũng cương kiện, đắc trung như nó. Đây là hào tốt nhất trong quẻ, vậy nên mà ví nó với hình tượng con Rồng bay trên trời cao, và ngôi của nó là ngôi chí tôn, ngôi vua.
  • Chữ đại nhân (người có tài đức) ở đây chỉ cả hào 5 lẫn hào 2: hai vị đại nhân ở hai hào nên gặp nhau, hợp lực với nhau thì có lợi.
  • Theo “Văn Ngôn truyện” giảng thêm rất rõ và hay về bốn chữ lợi kiến đại nhân thì “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; nước chảy xuống thấp, lửa bén chỗ khô; thánh nhân xuất hiện thì vạn vật đều trông vào (…) Mọi vật đều hướng theo loài của nó” (Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu (…) các tùy kỳ loại dã).

Thượng cửu (Hào 6 dương)Kháng long hữu hối – Rồng lên cao quá, ắt sẽ có hối hận.

Lời giảng:

  • Hào 6 dương ở trên cao của quẻ, cương kiện đến cùng rồi, như Rồng bay lên cao quá không xuống được nữa, nếu vẫn còn tiếp tục hành động thì sẽ có điều đáng tiếc xảy ra, vì lẻ thịnh quá thì tất suy, đầy thì không được lâu (doanh bất khả cửu).
  • Theo “Văn Ngôn truyện” giảng thêm: Hào 6 ở địa vị rất quí (vì ở trên cao hơn hết) nhưng không có ngôi, cao mà không có dân (vì hào 5 là vua thì mới có dân), người hiền ở dưới mình mà không giúp đỡ mình (vì hào 3 tuy ứng với hào 6 nhưng lại ở dưới nội quái, mà giữa hào 3 và hào 6 lại có hào 5 là vua làm chủ hào 3 rồi), vậy nên hào 6 mà tiếp tục thì ắt có điều phải ăn năn.
  • Tóm lại, thời của hào 6 là thời không nên họat động gì cả, biết rút lui đi thì còn giữ được tư cách người quân tử .

Dụng cửu (hào dương): Kiến quần long vô thủ. Cát – Thấy bầy Rồng không có đầu, tốt.

Lời giảng:

  • Chu Hi giảng: Gặp quẻ Càn mà sáu hào (dương) đều biến (ra âm) cả, tức là cương mà biến thành nhu thì tốt. Thánh nhân dùng hình tượng bầy rồng (sáu hào dương) mà không đầu thì tức là nhu để diễn ý đó.
  • Cao Hanh giảng rằng bầy Rồng không đầu có nghĩa là bầy Rồng đã bay lên trời, đầu bị mây che, nên chỉ thấy mình và đuôi. Đó là hình tượng Rồng cưỡi mây lên trời, tốt.
  • Theo thuyết của Ngô Nhân Kiệt, cho rằng các bản Dịch thời cổ, cho đến đời Phi Trực nhà Hán không có hai chữ “Dụng cửu”, tất cả do đời sau thêm vào v.v. . .
  • Tóm lại câu “Dụng Cửu” này, tới nay vẫn còn là một bí mật, khó có ai hiểu rõ nghĩa, hiện tại vẫn đang là phỏng đoán…

Trên đây là một số thông tin về quẻ Thuần Càn trong Kinh Dịch, hy vọng bài viết trên đây của Quảng Nguyên sẽ cung cấp đến cho bạn đọc những tư liệu hữu ích. Để có thêm những tư vấn khác, quý bạn đọc có thể liên hệ với Quảng Nguyên để được hỗ trợ thêm. Xin cảm ơn!

 

 

1 bình luận
  1. Quảng Nguyên

    […] Quẻ Càn chứa 6 hào dương còn quẻ Khôn chứa 6 hào âm. Càn tượng là Trời thì Khôn tượng là đất, Càn cương kiện thì Khôn nhu thuận. Càn tạo ra vạn vật ở dạng vô hình, thuộc phần khí nhưng phải nhờ có Khôn thì vạn vật mới có thể hữu hình, mới được nuôi dưỡng và sinh trưởng, vậy nên công của Khôn cũng lớn như công của Càn, chỉ khác ở chỗ Khôn phải ở sau Càn, tùy theo Càn, bổ túc cho Càn, vậy nên mà đức nguyên, hanh, lợi của Khôn có đủ như Càn. Chỉ riêng về đức trinh (chính và bền) của Khôn thì hơi khác: tuy cũng chính và bền nhưng phải thuận. Vua Văn Vương đã dùng con ngựa cái để tượng Khôn vì ngựa cái có tính thuận theo ngựa đực (Càn). […]

Bình Luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.