Yếu tố Tốt – Xấu trong Tử Vi
“Dĩ hòa vi quý” là một đặc tính của bình hòa, dễ giảm thiểu xích mích đối kháng nên thường có kết quả tốt đẹp, được lòng các bên. Nhưng nếu kẻ thù chĩa thẳng súng vào ta và sắp bóp cò, ta vẫn cố “dĩ hòa vi quý” thì coi như chết chắc. Chết có thể là giải thoát, là về cõi Niết Bàn hoặc về với Chúa nên tốt đẹp theo ý nghĩa thánh nhân, nhưng theo ý nghĩa bình thường của cuộc đời thì phải coi là một trạng thái xấu. Tử Vi độc đáo ở chỗ là nó hàm chứa cả hai loại ý nghĩa trên, nhưng dĩ nhiên những kẻ tầm thường như chúng ta chỉ biết áp dụng nó theo nghĩa bình thường.
Cực đoan thường xấu nhưng vẫn có khi tốt, tại sao lại thế? Lại đưa ra ví dụ. Mỗi lần có xích mích nhỏ với người khác là sinh sự đánh nhau thì rõ là cực đoan, thường gây phiền toái cho cuộc đời và cho chính mình, dĩ nhiên là không tốt. Khi gặp kẻ hung đồ sắp làm chuyện sát nhân mà mình đến đánh gục nó cũng là cực đoan nhưng lại là tốt cho đời và cho mình (đời được cứu và mình được tôn xưng là anh hùng). Thêm ví dụ khác: Thất bại trong dự tính của mình thường là chuyện buồn, xấu… nhưng nhiều khi chính nhờ thất bại mà người ta tìm ra chân lý, như Mộ Dung Bác trong truyện Lục Mạch Thần Kiếm chẳng hạn.
Lại xét ví dụ một cô gái 14 tuổi xinh xắn có giọng ca hay, gia đình lại quen biết với giới sản xuất âm nhạc. Nếu cô nhảy vào nghề ca hát ắt phải thành công to. Nhưng nếu dính vào nghề ca hát rồi, chắc gì cô học xong trung học, đại học? Thiếu học nên kém về kiến thức, lại thành công trong nghề nghiệp thì về sau này dễ gì cô chịu nghe ai? Khi cô phạm sai lầm thì ai có thể sửa chữa cho cô để cô tiến bộ? Rồi khi hào quang đã tắt thì cô còn lại gì?
Qua đó ta thấy rằng việc tốt và xấu chẳng dễ gì nhìn ra. Nhiều hoàn cảnh tưởng tốt lại hóa ra xấu, nhiều hoàn cảnh tưởng xấu lại hóa ra tốt, nên cùng một sự kiến mỗi người nhìn qua một lăng kính khác nhau sẽ thấy tốt xấu khác nhau. Nói cách khác mọi phán xét tốt xấu hầu hết đều là chủ quan và tương đối.
Khoa Tử Vi được phát triển trong thời phong kiến. Vua chúa quyền uy tối thượng, theo lối bình hòa thì có cơ sống còn hoặc nhẹ bước thang mây, cực đoan dễ bị coi là phường phản loạn, tiều đồ bế tắc lại mang họa vào thân. Bởi vậy cứ xét từ các câu phú còn truyền lại ta có cảm tưởng gặp bốn phụ tinh bình hòa Tả Hữu Xương Khúc là gặp cứu tinh, gặp bốn phụ tinh cực đoan Hình – Riêu Không Kiếp là hiểm nguy khốn đốn. Nhưng thời thế ngày nay đã đổi nên rất nhiều câu phú xưng tụng Tả Hữu Xương Khúc (Cát tinh), mạt sát Hình – Riêu – Không – Kiếp – Linh – Hỏa – Kình – Đà (Sát tinh) không còn đúng nữa. Và vì thời thế ngày mai chưa chắc y như thời thế ngày nay, người nghiên cứu Tử Vi không thể lập lại cái ngọn “tốt – xấu” do người xưa để lại mà phải hiểu cái gốc, tức là bản chất của từng hoàn cảnh, rồi thêm yếu tố thời thế vào mà xét đoán mới mong chính xác.
Nguồn: Sách sưu tầm.