07. Quẻ Địa Thủy Sư trong Kinh Dịch

0 72

Lời  giảng Quẻ Địa Thủy Sư dựa theo sách “Kinh dịch – Đạo của người quân tử” của tác giả Nguyễn Hiến Lê

Quẻ Địa Thủy Sư, hay còn được gọi tắt là quẻ Sư 師 (shi1) là quẻ thứ 7 trong Kinh Dịch, số 07.

Nội quái là ☵ Khảm.

Ngoại quái ☷ Khôn.

Ý nghĩa tổng quan

  • Chúng dã, chúng trợ, đông chúng, vừa làm thầy, vừa làm bạn, học hỏi lẫn nhau, nắm tay nhau qua, nâng đỡ. Sĩ chúng ủng tòng chi tượng: tượng quần chúng ủng hộ, giúp đỡ nhau.
  • Kiện tụng là tranh nhau, có tranh nhau thì bắt đầu lập phe, có đám đông nổi lên; cho nên sau quẻ Tụng tới quẻ Sư – Sư là đám đông, cũng có nghĩa là tập thể, là quân đội.

Theo thoán từ:

  • Sư: Trinh, trượng nhân cát, vô cữu.

Lời dịch:

  • Quân đội mà chính đáng (có thể hiểu là bền chí, chính trực), có người chỉ huy lão thành thì tốt, không có lỗi.

Lời giảng: 

  • Trên là Khôn, dưới là Khảm mà sao lại có nghĩa là tập thể, đám đông, quân đội? Có 4 cách giảng sau đây:

    – Theo đại tượng truyện bảo Khôn là đất, Khảm là nước, ở giữa đất có nước tụ lại, tượng là quần chúng nhóm họp thành một đám đông.

    – Theo Chu Hi bảo ở dưới là Khảm hiểm; ở trên là Khôn thuận; người xưa gửi binh ở trong việc nông (thời bình là nông dân, nhưng vẫn tập tành võ bị, tới thời loạn thì thành lính), như vậy là giấu cái hiểm (võ bị) trong cái việc thuận (việc nông).

    – Theo Chu Hi còn giảng cách nữa: hào 2 là dương, nằm ở giữa nội quái là tượng ông tướng, 5 hào kia là âm nhu, mềm mại, giao quyền cho hào 2 điều khiển 4 hào kia.

  • Theo thoán truyện giảng: Xuất quân là việc hung hiểm (quẻ Khảm), độc hại, nhưng nếu xuất quân vì chính nghĩa (trinh chính), để trừ bạo an dân thì dân sẽ theo (Khôn: thuận), sẽ giúp đỡ mình, mình sai khiến được, sẽ tốt, lập được nghiệp vương thống trị thiên hạ và không có tội lỗi.

Ý nghĩa Hào Từ:

Từ đây trở xuống là lời hào từ, lời của Chu Công luận đoán về mỗi hào.


Sơ lục (Hào 1 âm): Sư, xuất dĩ luật, phủ tàng, hung – Ra quân thì phải có kỷ luật, nếu không khéo (chữ phủ tàng nghĩa là bất thiện) thì xấu.

Lời giảng:

  • Đây là bước đầu ra quân, phải rất cẩn thận, có kỷ luật nghiêm nhưng nên khéo để khỏi mất lòng dân và quân.

Cửu nhị (Hào 2 dương):  Tại sư, trung, cát, vô cữu, vương tam tích mệnh –  Trong quân, nếu giữ đức trung thì tốt, không tội lỗi, được vua ba lần ban thưởng.

Lời giảng:

  • Hào 2 là hào dương độc nhất trong quẻ, thống lĩnh quần âm. Nó đắc dương cương, đắc trung, lại được hào 5 âm ở trên hậu thuẫn, như một vị nguyên thủ giao toàn quyền cho một vị tướng. Nhờ đắc trung nên tốt, không bị tội lỗi, mà được nhiều lần ban thưởng (có người giảng rằng được nhiều lần vua trao lệnh cho).

Lục tam (Hào 3 âm): Sư, hoặc dư thi, hung – Bất chính (vì hào âm ở ngôi dương) lại bất trung nên xấu, thất trận, có thể phải chở xác chết về.


Lục tứ (Hào 4 âm): Sư, tả thứ, vô cữu – Ra quân rồi mà biết lui về đóng (thứ) ở phía sau (tả) thì không có lỗi.

Lời giảng:

  • Hào 4 tuy bất trung nhưng đắc chính, không có tài (hào âm) nhưng biết liệu sức mình, hãy tạm lui, không tiến để khỏi bị tổn hao quân, đó là lẽ thường hễ gặp địch mạnh thì tránh đi, cho nên không bị lỗi.

Lục ngũ (Hào 5 âm): Điền hữu cầm, lợi chấp ngôn, vô cữu. Trưởng tử xuất sư, đệ tử dư thi, trinh hung – Như đồng cỏ bị muông thú về phá, bắt chúng (chữ ngôn [言] ở đây,dùng như chữ chi [之], thay chữ cầm [禽]) thì lợi. Dụng người lão thành làm tướng súy để cầm quân, nếu dùng bọn trẻ (tài kém) thì chỉ có chở thây mà về, và dù danh nghĩa chính đáng (trinh) thì kết quả vẫn xấu.

Lời giảng:

  • Hào 5 âm, ở vị chí tôn, là tượng ông vua ôn nhu và thuận đạo trung, không gây chiến, vì quân địch lấn cõi (như muông thú ở rừng về phá đồng) nên đành phải đánh đuổi đi, bắt chúng mà không có lỗi.
  • Ông vua ấy giao quyền cầm quân cho vị lão thành hào 2 phía dưới, là người xứng đáng , nếu giao cho trẻ bất tài (như hào 3) hoặc thì sẽ thất bại, dù chiến tranh có chính nghĩa đi chăng nữa cũng phải chở xác về, mang họa.

Thượng lục (Hào 6 âm): Đại quân hữu mệnh. Khai quốc thừa gia, tiểu nhân vật dụng – Sau khi khải hoàn trở về, nếu vua ra lệnh gì quan hệ đến việc mở nước trị nhà thì không nên dùng kẻ tiểu nhân (dù họ có công chiến đấu).

Lời giảng:

  • Hào 6 ở trên cùng, ám chỉ lúc thành công, vua luận công mà khen thưởng. Kẻ tiểu nhân tuy có tài chiến đấu, lập được công trạng thì cũng chỉ nên thưởng tiền bạc thôi, không nên phong đất cho để cai trị, giao cho địa vị trọng yếu, vì công việc kiến thiết quốc gia đó phải dành cho người có tài, đức mới gánh nổi.

Qua đó, có thể thấy quẻ Sư này rất hay, lời gọn, ý đủ và đúng. Chúng ta chỉ nên bất đắc dĩ mới phải ra quân, ra quân phải có chính nghĩa. Chọn tướng phải xứng đáng (như hào 2), đừng để cho kẻ bất tài (như hào 3) tham gia. Phải thực sự cẩn thận từ lúc đầu, kỷ luật nghiêm minh, nhưng phải khéo để khỏi mất lòng dân quân. Nếu gặp kẻ địch đang ở thế mạnh thì hãy tạm tránh, không sao. Khi thành công rồi, luận công ban thưởng thì kẻ tiểu nhân có công thì chỉ nên thưởng họ tiền bạc, đừng giao cho họ trọng trách; trọng trách phải thuộc về những người tài đức như vậy nước mới thịnh được. Quả thật chỉ dùng hai nét liền, đứt mà suy diễn được như vậy, tài thật!

Trên đây là một số thông tin về quẻ Địa Thủy Sư trong Kinh Dịch, hy vọng bài viết trên đây của Quảng Nguyên sẽ cung cấp đến cho bạn đọc những tư liệu hữu ích. Để có thêm những tư vấn khác, quý bạn đọc có thể liên hệ với Quảng Nguyên để được hỗ trợ thêm. Xin cảm ơn!

 

 

Bình Luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.