03. Quẻ Thủy Lôi Truân trong Kinh Dịch

0 28

Lời  giảng Quẻ Thủy Lôi Truân dựa theo sách “Kinh dịch – Đạo của người quân tử” của tác giả Nguyễn Hiến Lê

Quẻ Thủy Lôi Truân, hay còn được gọi tắt là quẻ Truân (屯 chún) là quẻ thứ 3 trong Kinh Dịch, số 03.

Nội quái là ☳ Chấn.

Ngoại quái ☵ Khảm.

Truân: Nguyên, hanh, lợi, trinh, vật dụng hữu du vãng, lợi kiến hầu.

Ý nghĩa tổng quan

  • Nạn dã, gian lao, yếu đuối, chưa đủ sức, ngần ngại, do dự, vất vả, cần nhờ sự giúp đỡ. Tiền hung hậu kiết chi tượng: tượng trước dữ sau lành.
  • Theo “Tự quái truyện” thì sở dĩ sau hai quẻ Càn, quẻ Khôn thì tới quẻ Truân là bởi vì có trời có đất rồi vạn vật tất sinh sôi nảy nở đầy khắp, mà lúc sinh sôi đó chính là lúc khó khăn. Chữ Truân [屯] có cả hai nghĩa đó là đầy và khó khăn.

Lời dịch:

  • Gặp nạn gian truân, có thể hanh thông lắm (nguyên hanh), nên giữ vững điều chính (trái với tà), không tiến vội, mà tìm bậc hiền thần giúp mình.

Lời giảng: 

  • Tượng quẻ Truân là sấm (Chấn) ở dưới mà mưa (Khảm) ở trên, tức có nghĩa là động ở trong chốn hiểm, (Khảm là nước có nghĩa là hiểm trở) (1) cho nên có nghĩa là truân.
  • Nội quái có một hào dương (cương) hai hào âm (nhu); ngọai quái cũng vậy; như vậy là cương nhu, dương âm bắt đầu giao hòa để sinh vạn vật, mà lúc đầu bao giờ cũng gian nan (truân).
  • Trong lúc gian nan mà hành động thì có thể tốt, nhưng phải kiên nhẫn giữ được điều chính; đừng vội vàng hành động mà trước hơn hết là nên tìm người tài giỏi giúp mình. Người tài đứng ra cáng đáng lúc đầu (người mình cất nhắc lên tước hầu) đó là hào 1 dương . Dương thì cương, có tài, hào 1 lại là hào chủ yếu trong nội quái (chấn) có nghĩa họat động, buổi đầu gian nan thì được người đó, như lập được một đòan thể nhiều người có tài kinh luân, thì mọi việc sẽ được tốt. Đó là ý tượng của quẻ Truân.

Ý nghĩa Hào Từ:

Từ đây trở xuống là lời hào từ, lời của Chu Công luận đoán về mỗi hào.


Sơ cửu (Hào 1 dương): Bàn hoàn, lợi cư trinh, lợi kiến hầu – Còn giữ được điều chính thì lợi, được đặt lên tước hầu (nghĩa là được giao cho việc giúp đời lúc gian truân) thì lợi.

Lời giảng:

  • Như trên đã nói, hào 1 dương tượng người có tài, lại đắc chính vì dương ở dương vị, cho nên giữ được điều chính thì có lợi; sau cùng nó là dương mà lại dưới hai hào âm trong nội quái, có cái tượng khiêm hạ, được lòng dân. Vậy là người quân tử tuy mới đầu còn do dự, sau sẽ được giao cho trọng trách giúp đời..

Lục nhị (Hào 2 âm): Truân như, chuyên như, thừa mã ban như. Phỉ khấu hôn cấu, nữ tử trinh bất tự, thập niên nãi tự – Khốn đốn khó khăn như người cưỡi ngựa còn dùng dằng lẫn quẩn mãi. Hào 1 không phải là kẻ cướp, chỉ là muốn cầu hôn với mình, hãy cứ giữ vững chí đừng chịu, mười năm nữa sẽ kết hôn (với hào 5).

Lời giảng:

  • Hào 2, âm vừa đắc trung vừa đắc chính, lại ứng với hào 5 cũng đắc trung đắc chính ở trên, nên như vậy là tốt. Chỉ hiềm cách xa hào 5 mà lại ở sát ngay trên hào 1 dương , bị hào 1 níu kéo nên còn ở trong cảnh truân chuyên (khó khăn). Hào 1 có tư cách quân tử , không phải là kẻ xấu muốn hãm hại mình mà là muốn cưới mình (1 là dương, 2 là âm). Nhưng đừng nhận lời, cứ giữ vững chí, mươi năm nữa sẽ kết hôn với hào 5.

Lục tam (Hào 3 âm): Tức lộc, vô ngu, duy nhập vu lâm trung. Quân tử cơ, bất như xả, vãng lận – Đuổi hươu mà không có thợ săn giúp sức thì chỉ vô sâu trong rừng mà không bắt được. Người quân tử hiểu cơ sự ấy thì bỏ đi còn hơn, nếu cứ tíếp tục tiến nữa thì ắt sẽ hối hận.

Lời giảng:

  • Hào 3 âm, ở dương vị, bất chính bất trung; tính chất đã không tốt mà còn ở vào thời truân. Hào 6 ở trên cũng là âm nhu nên không giúp được gì cho hào 3, như vậy mà cứ muốn làm càn, như người ham đuổi hươu mà không được thợ săn giúp (chặn đường con hươu, đuổi nó ra khỏi rừng cho mình bắt) thì mình cứ chạy theo con hươu thì càng đi sâu vào trong rừng thôi. Nên bỏ đi thì hơn.

Lục tứ (Hào 4 âm): Thừa mã ban như. Cầu hôn cấu, vãng cát, vô bất lợi – Cưỡi ngựa mà dùng dằng, cầu bạn trăm năm (hay đồng tâm) ở dưới (ở xa) thì không gì là không tốt.

Lời giảng:

  • Hào 4 âm nhu, đắc chính là người tốt nhưng tài năng tầm thường, gặp thời Truân nên không tự mình tiến thủ được. Tuy ở gần hào 5, muốn cầu thân với 5, nhưng 5 đã ứng với 2 rồi, nên là hào 4 muốn lên mà không được, như người cưỡi ngựa muốn tiến mà dùng dằng. Chu Công khuyên hào 4 nên cầu hôn với hào 1 ở dưới thì hơn, cùng nhau giúp đời, không gì là không lợi.
  • Có thể thấy cặp 5 – 2 rất xứng nhau khi cả hai đều đắc chính, đắc trung, rất đẹp. Cặp 4-1 không đẹp bằng vì hào 4 bất trung, kém hào 2, cho nên phải kết hợp với hào 1 ở dưới, hào 1 tuy ở dưới mà đắc chính, như vậy là xứng đôi. Đó là luật “dĩ loại tụ”, muốn hợp với nhau thì phải xứng nhau, đồng tâm, đồng đạo.

Cửu ngũ (Hào 5 dương): Truân kì cao; tiểu trinh cát, đại trinh hung – Ân trạch không ban bố được, chỉnh đốn việc nhỏ thì lợi, việc lớn thì xấu.

Lời giảng:

  • Hào 5 vừa đắc chính vừa đắc trung, ở địa vị chí tôn, đáng lẽ tốt nhưng vì ở trong thời gian truân (quẻ Truân) lại ở giữa ngọai quái là Khảm hiểm, vậy nên chỉ tốt vừa thôi. Hào 2 tuy ứng với nó nhưng âm nhu , không giúp được quá nhiều, lại thêm hào 1 ở dưới có tài đức, được lòng dân, uy quyền gần như lấn hào 5, mà ân trạch của 5 không ban bố khắp nơi được. Cho nên hào 5 phải dần dần chỉnh đốn các việc nhỏ trước đã, đừng vội làm việc lớn mà hỏng.
  • Nghĩa là tuy có tài đức, có địa vị, nhưng vẫn phải đợi có thế có thời nữa

Thượng lục (Hào 6 âm): Thừa mã ban như, khấp huyết liên như – Cưỡi ngựa mà dùng dằng, khóc tới mức máu mắt chảy đầm đìa.

Lời giảng:

  • Hào 6 ở trên cùng, là thời của gian truân tới cực điểm. Nếu là hào dương (người có tài trí) thì gian truân cùng cực sẽ biến thông; nhưng đây là hào âm, bất tài, bất trí, nhu nhược, chỉ biết lên lưng ngựa rồi mà vẫn dùng dằng mà khóc đến chảy máu mắt.

Trên đây là một số thông tin về quẻ Thủy Lôi Truân trong Kinh Dịch, hy vọng bài viết trên đây của Quảng Nguyên sẽ cung cấp đến cho bạn đọc những tư liệu hữu ích. Để có thêm những tư vấn khác, quý bạn đọc có thể liên hệ với Quảng Nguyên để được hỗ trợ thêm. Xin cảm ơn!

 

 

Bình Luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.